Qua đèo Hải Vân về phía Nam, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở đây rất thích hợp cho cà phê Robusta (cà phê vối). Và đây chính là địa bàn phát triển hàng nửa triệu hecta cà phê vối của nước ta, và đưa Việt Nam lên vị trí đầu bảng về sản xuất cà phê vối trên toàn cầu. 

Tuy nhiên trên cả miền địa lý khí hậu phía Nam rộng lớn này cũng vẫn xen kẽ có những vùng có khí hậu đặc thù phù hợp với cây cà phê Arabica (cà phê chè). Yếu tố tạo nên những vùng cà phê chè này là độ cao trên mực nước biển. Tiêu biểu nhất là vùng cà phê chè Lâm Đồng.

Lâm Đồng trong tổng thể vùng cà phê chè Tây Nguyên

Với độ cao 800- 1500m trên mực nước biển, Cao nguyên Di Linh là một trong hai cao nguyên chính bao gồm toàn bộ diện tích tỉnh Lâm Đồng (cao nguyên thứ hai là Lâm Viên). Độ cao này đã giúp Lâm Đồng trở thành vùng cà phê chè có chất lượng cao nhất nước ta. Vùng cà phê Lâm Đồng được trồng trên các cao nguyên Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc với những độ cao khác nhau.

Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng đã có thương hiệu độc quyền cà phê Arabica Lang Biang, vùng nguyên liệu với diện tích 3.154 ha và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu độc quyền cà phê chè Cầu Đất tại Đà Lạt với diện tích 3.050 ha. Ngoài hai địa phương Lạc Dương và Đà Lạt, theo quy hoạch chung về cây cà phê của tỉnh, diện tích cà phê chè còn được phát triển ở một vài huyện xung quanh như Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương và Đam Rông. Dự kiến đến năm 2020, diện tích cà phê chè tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng lên, chiếm khoảng 20% – tăng gần gấp đôi so với hiện nay (khoảng 30.000 ha).

Cao nguyên Đà Lạt

Cao nguyên Đà Lạt ở độ cao 1500m, khí hậu ở đây mang đặc tính của kiểu khí hậu ôn đới, mát quanh năm. Khí hậu Đà Lạt mang nhịp điệu hai mùa (mùa mưa và mùa khô). Cà phê Arabica trồng ở đây sinh trưởng rất tốt cho sản lượng cao và đặc biệt là chất lượng rất cao được người tiêu dùng đánh giá cao.

Cao nguyên Di Linh

Nằm ở trung tâm của các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng có diện tích khoảng 200km2 trải dài theo hướng Đông bắc – Tây nam. Với địa hình phân biệt rõ rệt cao dần từ 850m ở huyện Bảo Lộc phía Tây nam lên đến 1000m ở huyện Đức Trọng phía Đông bắc. Đất ở đây chủ yếu thuộc đất nâu đỏ trên bazan. Khí hậu ở đây mang tính chất nhiệt đới ẩm rõ rệt và nổi lên vai trò của vị trí địa lý và chiều cao địa hình, chịu ảnh hưởng sớm nhất của các khối không khí xích đạo nóng và ẩm vào mùa hạ nhưng nền nhiệt bị giảm nhiều do chiều cao địa hình lớn.

Một đặc điểm khác là có thể nói cao nguyên Di Linh không có tháng nóng (trên 25 độ C). Lượng mưa ở vùng này phân bố không đều. Bảo Lộc đón gió Tây nam sớm nhất nên có lượng mưa cao nhất là 2800mm (với 185 ngày mưa). Ở huyện Di Linh lượng mưa chỉ còn trên 1800mm (với 150 ngày mưa). Đức Trọng vì địa hình khuất gió, lượng mưa chỉ còn trên 1600mm (với 151 ngày mưa). Mùa mưa ở đây dài hơn và mùa khô ngắn hơn, bớt khốc liệt như các vùng Đaklak, Gialai.

Miền vĩ độ tương tự Costa Rica

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cây cà phê lớn thứ hai cả nước, chỉ đứng sau Đắk Lắk, với diện tích toàn tỉnh năm 2014 ước đạt 152.450 ha, trong đó diện tích cà phê chè là 17.120 ha chiếm 11,2% (Nguồn: Wasi.org.vn). Mặc dù cà phê chè có diện tích nhỏ hơn nhiều so với cà phê vối (133.600 ha chiếm 87,6%) nhưng là tỉnh có diện tích cà phê chè lớn nhất nước và đã quy hoạch xây dựng. Phát triển cà phê chè thành mặt hàng chủ lực –  đại diện cho vùng nguyên liệu cà phê chè Tây Nguyên với chất lượng cao, có thương hiệu mang tầm quốc tế.

Thêm vào đó, chỉ duy nhất khu vực tỉnh Lâm Đồng trong tổng thể vùng cà phê chè Tây Nguyên mới có vị trí địa lý vào khoảng 11020’ vĩ độ bắc tương đương với vị trí địa lý của Costa Rica là một nước sản xuất cà phê Arabica nổi tiếng ở Trung Mỹ.

Điều kiện tiềm năng cho Lâm đồng phát triển cà phê Arabica

Phần lớn các vùng cà phê của Costa Rica đều ở vùng cao trên 800m trên mực nước biển. Nước này đã có một truyền thống lâu năm là nước sản xuất cà phê chè chất lượng cao trên thế giới (thuộc nhóm cà phê chè có vị dịu). Điều này trước hết dựa vào tác dụng tương hỗ của nhiều yếu tố khác nhau: đất trồng có nguồn gốc núi lửa, điều kiện sinh thái khí hậu tốt, kinh nghiệm sản xuất và kết quả đào tạo kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt và chế biến. Những điều kiện đó đều có ở tỉnh Lâm Đồng. Vậy chúng ta có đầy đủ lí do để tin tưởng trên nhiều phương diện, vùng cà phê chè Tây Nguyên còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa với vĩ tuyến tọa lạc của Lâm Đồng.

Kết ./.

Vùng cà phê chè Tây Nguyên đã kết thúc chuỗi bài những vùng cà phê chè trọng điểm của nước ta, Mỗi vùng đều có một đặc trưng riêng và có một loại cà phê chè nguyên bản chất lượng cao. Tóm tắt lại ta sẽ có ba vùng như sau:

  • Vùng cà phê chè Tây bắc: Đặc biệt là vùng cà phê Arabica Sơn La được giới chuyên môn nhận định như SaoPaulo của Brasil
  • Vùng cà phê chè Miền trung: Cái tên không thể thiếu là Arabica Khe Sanh, Đây cũng là vùng cà phê Arabica lớn nhất và hiệu quả cao nhất miền Trung Việt Nam.
  • Vùng cà phê chè Tây Nguyên: Với Cao nguyên Di Linh thuộc Địa phận Tỉnh Lâm Đồng có độ cao tối thích và cùng miền vĩ độ Với Costa Rica – Một vùng cà phê chè phẩm chất cao của thế giới.

Nguồn tham Khảo:

Tạp chí Argoinfo – Caffe Việt Nam, Chuyên đề 6 (9/20111)

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here